Bỏ qua nội dung

Ngày 30 - Mô hình mạng AWS và quản lý hạ tầng

Xin chào. Đây là ngày thứ 30 của hành trình. Một tháng trôi qua, à không, phải là hai tháng mới đúng, chúng ta đã tìm hiểu được rất nhiều những chủ đề thú vị về DevOps. Bây giờ sẽ là những điểm đến cuối cùng của giai đoạn 5. Hôm nay chúng ta sẽ khám phá mô hình mạng trên AWS cũng như cách chúng ta quản lý hạ tầng với nền tảng này.

Hãy sẵn sàng để cùng lạc vào mê cung nào! 🏞

Đám mây ảo riêng tư - VPC

Đây là điểm đến đầu tiên của AWS khi nhắc đến Cloud. VPC có những điểm đáng chú ý sau đây.

  1. VPC là một cấu trúc được tạo mặc định trong AWS, với các mạng con ảo (subnet) khác nhau.
  2. Mỗi mạng con ảo trong VPC có một hoặc nhiều dải địa chỉ IP được gán vào và có hỗ trợ IPv4/IPv6.
  3. Mỗi mạng con ảo trong VPC sẽ chỉ gắn với một vùng khả dụng.
  4. Mỗi mạng con ảo đều có ACL - Danh sách kiểm soát truy cập để hỗ trợ việc cấp quyền truy câp mạng cho máy ảo.
  5. Mỗi mạng con ảo có thể nằm ở chế độ riêng tư hoặc công cộng. Ở chế độ công cộng, các thiết bị trong mạng con có thể giao tiếp với bên ngoài, ngược lại cần phải dùng NAT Gateway.
  6. Mỗi máy ảo phải đặt trong VPC, mỗi VPC nằm trong một khu vực nhất định.
  7. Các máy ảo cùng mạng có thể giao tiếp với nhau.
  8. VPC ở AWS không có NAT Gateway mặc định (tức là cổng giao tiếp giữa mạng riêng và mạng công cộng). Để sử dụng thì việc đầu tiên phải làm đó là có rất nhiều tiền.

Ngoài ra AWS cũng hỗ trợ VPC Peering - đồng nghĩa với việc kết nối giữa các thiết bị ở các VPC khác nhau cũng trở nên đơn giản và dễ dàng hơn.

Nhóm bảo mật - Security Group

Cơ chế nhóm bảo mật của AWS đơn giản khá giống như tường lửa của máy tính, ngăn chặn hoặc cho phép truy cập thông qua địa chỉ hoặc cổng nào đó. Mỗi nhóm bảo mật xác định hai chiều truy cập cho VPC.

Dưới đây là một bảng thông tin quen thuộc, một nhóm bảo mật thực thụ trong AWS.

Ví dụ về Nhóm bảo mật

Đây là ví dụ điển hình, tất nhiên trên thực tế, AWS cũng hỗ trợ chúng ta trong việc tạo nhóm theo từng dịch vụ như Web, Cơ sở dữ liệu, v.v…

Hai nhóm bảo mật dưới đây nằm trên cùng một VPC.

Nhóm bảo mật thứ nhất - Group A

Nhóm này nằm ở mạng con thứ nhất.

Chiều vào (Inbound)
NguồnGiao thứcCổng
192.168.100.0/28TCP22
10.0.0.0/24HTTPS443
Chiều ra (Outbound)
ĐíchGiao thứcCổng
0.0.0.0/0Tất cảTất cả

Nhóm bảo mật thứ hai - Group B

Nhóm này nằm ở mạng con thứ hai.

Chiều vào (Inbound)
NguồnGiao thứcCổng
192.168.100.0/28TCP22
10.2.0.0/24Tất cảTất cả
Chiều ra (Outbound)
ĐíchGiao thứcCổng
0.0.0.0/0Tất cảTất cả

Cân bằng tải - LB

Cái tên nói lên tất cả, cân bằng tải là một việc chúng ta chia lưu lượng truy cập vào nhiều máy ảo khác nhau thay vì chỉ dồn lên một máy gây quá tải dẫn đến sập hệ thống. Với AWS có ba giải pháp nằm trong cùng một cái tên: ELB - Cân bằng tải linh động.

  1. Cân bằng tải Ứng dụng - Tầng 7 của mô hình OSI. Giảm tải SSL, định tuyến dựa trên cookie và nội dung dựa trên đường dẫn
  2. Cân bằng tải Mạng - Tầng 4 của mô hình OSI. Phân phối và chuyển tiếp cổng dựa trên hàm băm.
  3. Cân bằng tải Cổng - Một dạng thức giúp kiểm tra “sức khỏe” của máy chủ. Tầng 4 của mô hình OSI, tuy nhiên cách hoạt động khác so với Cân bằng tải Mạng.

Công cụ quản lý

Dưới đây là một số công cụ làm việc hữu dụng với AWS mà mọi người cần phải lưu tâm.

Cửa sổ Quản trị (AWS Management Console)

Dưới dạng Web, đây là một dạng thức giúp chúng ta kiểm soát mọi thứ trên AWS một cách đơn giản và tiện lợi nhất.

Console

AWS CLI - Giao diện dòng lệnh

Một cách tương tác nhanh chóng và dễ dàng với các dịch vụ của AWS - thực chất việc tương tác với AWS CLI cũng tương tự việc ta gọi đến API xử lý dịch vụ của AWS vậy.

Để sử dụng, ta cần phải tải bộ cài về máy, truy cập tại đây để biết thêm thông tin chi tiết - nếu cần hướng dẫn xin liên hệ ngay cho mình.

Visual Studio Code

IDE - Không cần nói cũng biết nó là gì, đó là nơi mà bài viết này được viết lên và đăng tải trên website của series này.

AWS Cloud9

Không biết mọi người có nghe câu “Vui như trên chín tầng mây” chưa nhỉ? Trong tiếng Anh có một câu tương tự là “On the cloud nine”, mà Cloud9 thật trùng hợp lại là chiếc IDE ngay trên giao diện Web của AWS. Ngoài ra, nó còn tích hợp với CloudShell, cũng chính là CLI của AWS ngay trên web luôn.

CloudShell

Đó là những dấu ấn của ngày 30, và hành trình sẽ được tiếp tục với ngày 31 ngay sau đây.

Tài liệu tham khảo 📚

Mời mọi người chuyển sang trang này để theo dõi tất cả tài liệu liên quan trong giai đoạn 5, để giúp bản thân có được những tài liệu hữu ích về Điện toán đám mây trong làm việc với DevOps.

Hẹn gặp mọi người ở những ngày tiếp theo. 🚀